Công ty TNHH Khải Hoàn

ve sinh cong nghiep

HỖ TRỢ TRỤC TUYẾN
Hỗ trợ kinh doanh
Hỗ trợ bán hàng
LIÊN KẾT WEB
Số lượt truy cập
Lượt truy cập thứ: 7932
ĐỐI TÁC
Tin tức
Bảo vệ môi trường khu vực phía Nam còn nhiều bất cập

Mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã đạt được một số thành tựu nhưng nhìn chung công tác bảo vệ môi trường ở khu vực phía Nam vẫn còn nhiều bất cập. Đó là tinh thần cơ bản trong hội nghị giao ban về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường các tỉnh khu vực phía Nam được tổ chức tuần qua tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nước bị xâm nhập mặn và ô nhiễm chất hữu cơ, chất vi sinh:

Bộ Tài nguyên-Môi trường và nhiều địa phương đã mô tả thực trạng nguồn nước ở khu vực phía Nam là nước bị xâm nhập mặn và ô nhiễm chất hữu cơ, chất vi sinh. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nguồn nước trên sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông thông ra biển đã có dấu hiệu bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất vi sinh do các nguồn thải công nghiệp, nguồn thải nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp,v.v… chưa được xử lý, thải ra.

Môi trường nước ở lưu vực sông Đồng Nai cũng ở trong tình trạng tương tự, song xét về mức độ thì có nhiều điểm đáng lo ngại hơn, vì tại đây đã có sông Thị Vải và kênh Ba Bò bị ô nhiễm nghiêm trọng, cần phải xử lý ngay.

Nguồn nước ngầm cũng rất đáng lo khi mà ở ĐBSCL đã có một số đô thị như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng bị xâm nhập mặn cục bộ, mực nước ngầm liên tục suy giảm. Thậm chí ở 6 xã của tỉnh An Giang, 6 xã của tỉnh Đồng Tháp, 5 xã của tỉnh Kiên Giang, 6 xã của tỉnh Bến Tre, 3 xã của tỉnh Long An, 4 xã của tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện bị nhiễm arsen (chất có khả năng gây ung thư) trong nguồn nước ngầm.

Ở miền Đông Nam bộ, khu vực giàu nước ngầm chỉ còn khoảng 9.200 km², chiếm 35% diện tích, trong khi đó diện tích đất nghèo nước ngầm vào khoảng 14.600 km² (chiếm 55% diện tích) và diện tích đất rất nghèo nước đến không chứa nước là khoảng 2.300 km² (chiếm 9% diện tích). Nguồn nước ngầm ở miền Đông Nam bộ chủ yếu bị nhiễm nitrat (loại ô nhiễm xử lý khá khó khăn). Nhiễm nitrat cũng là tình trạng khá phổ biến của các quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh như Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12.

Hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học bị suy giảm:

Trong những năm gần đây, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, rừng tràm ngập úng ở ĐBSCL và tính đa dạng sinh học của khu vực đã bị suy giảm nhanh chóng do quá trình đầu tư, khai hoang phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Theo ngành lâm nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định này là minh chứng cho thực trạng chất lượng môi trường biển và rừng ở khu vực phía Nam. Hiện nay, ở đây diện tích đất lâm nghiệp chỉ còn khoảng 356.200 ha, trong đó rừng tự nhiên chỉ chiếm khoảng 15% và còn lại là rừng trồng tái sinh (chiếm 85%). Các vùng biển và vùng ven biển còn khoảng 260 loài cá được ghi nhận và nhiều loại nhuyễn thể, giáp xác,v.v… cư ngụ.

Việc phát triển mạnh các hoạt động khai thác dầu khí cũng đã ảnh hưởng xấu đến môi trường ở khu vực này. Sự cố tràn dầu vào bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang,v.v… trong những năm qua đã gây ra nhiều tác hại cho môi trường và thiệt hại cho phát triển kinh tế ở các địa phương nêu trên. Hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc, xung điện,v.v… không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn nhiều hạn chế:

Từ năm 2006 đến nay, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Nam đã có những chuyển biến rõ nét. Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản đã bám sát và tuân thủ luật pháp. Tuy nhiên, tình trạng quy hoạch “treo” còn khá phổ biến. Nhiều quy hoạch đúng, rất cần thiết, nhưng không có lộ trình thực hiện, không phân kỳ quy hoạch, dẫn tới cách hiểu lệch lạc, giản đơn, cho rằng quy hoạch là phải thực hiện ngay, nên vội vàng cấm đoán, ngăn cản việc thực hiện các quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất, đã gây bức xúc trong nhân dân.

Việc phát triển các khu công nghiệp, các khu dân cư đô thị trong khu vực chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Giá đất nông nghiệp tại một số địa phương còn quá thấp, chưa thực hiện đúng phương pháp xác định giá đất, nên chưa đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất. Ngoài ra, giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh thường có sự chênh lệch lớn, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại.

TÌM KIẾM
BẢN TIN KHẢI HOÀN
THÔNG TIN CẦN BIẾT